K012QK2
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
K012QK2

Nơi hội tụ _cùng bay lên. Nơi mọi người_cùng chia sẻ
 
Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập

 

 Một ngày làm nông dân Nam bộ

Go down 
Tác giảThông điệp
thisidatinh247

thisidatinh247


Tổng số bài gửi : 25
Join date : 02/02/2008
Age : 37

Một ngày làm nông dân Nam bộ Empty
Bài gửiTiêu đề: Một ngày làm nông dân Nam bộ   Một ngày làm nông dân Nam bộ Icon_minitimeSat Feb 02, 2008 8:30 pm

Nếu bạn đã mệt nhoài với đời sống thị thành, một tour du lịch không kén khách để bạn hòa mình vào cuộc sống của những người nông dân chân lấm tay bùn đôi lúc sẽ làm thay đổi không khí. Xin mời bạn hãy cùng tham gia để cảm nhận "một ngày làm nông dân Nam bộ".

Hương đồng gió nội

Đoàn chúng tôi có 11 người, gồm đủ mọi thành phần, ba sinh viên Việt Nam, hai thanh niên Úc, ba người Mỹ và một cặp vợ chồng trung niên người Đức, cùng anh Thọ - hướng dẫn viên của Công ty du lịch Hai Nam Travel.

Sau hai giờ xe chạy ngang qua những địa danh của vùng đất Nam bộ: chợ Đệm, Gò Đen, Bến Lức, sông Vàm Cỏ... điểm đến của chúng tôi là nhà chú Ba Đức - một nông dân đúng nghĩa. Nhà nằm trên cù lao Tân Phong, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, Tiền Giang. Chú Ba đón chúng tôi tận ngõ với nụ cười thân thiện và ấm áp như những người thân quen lâu ngày gặp lại.

Những vị khách chúng tôi đã trải qua một đêm thật ngon giấc bên những chiếc giường gỗ đước đỏ au và chăn màn thơm mùi nắng ấm. Trời vừa tờ mờ sáng chủ nhà nhẹ nhàng gọi chúng tôi dậy sớm để... đi chợ.

Đường đến chợ không xa, nhưng qua những cây cầu khỉ thật vui và ấn tượng. Kia rồi, chợ quê dần hiện ra: dưới sông là những chiếc ghe chở hàng lặc lè, ậm ì trong sương sớm, những tiếng trò chuyện êm đềm hòa quyện vào nhau tạo ra cho chợ quê một không khí thanh bình đến khó tả.

Chợ bắt đầu bằng những tấm nilông trải ra trên nền đất, bày ra đó nào là những trái dừa khô, mấy nảy chuối vàng, con vịt lạc cạc bên rổ trứng, xâu chuột đồng; bên thúng, bên nia lún phún nhô lên những ngọn rau uống sương cong cong... Có gì dân dã hơn bằng nắm rau càng cua mọc từ chái hè, mấy cây bù ngót mọc cạnh bờ ao, rổ mồng tơi hái từ sân trước. Chúng tôi đến đúng vào ngày rằm nên chợ còn được tô điểm thêm những bó bông trang cột thành khóm đỏ tươi thắm để bán cho những người cúng bàn thờ Phật.

Mùa nào thức nấy. Những người nông dân chân bùn tay lấm và những món hàng dân dã đã khoác lên cho chợ một cái áo bình dị, hiền hậu. Ở chợ, chúng tôi còn mua được đầy ắp lòng tin của những người dân cần cù, tấm lòng chân chất và ai cũng có thể cảm thấy tuổi thơ của mình trong đó...

Chúng tôi trở về nhà khi mặt trời vừa nhú, được thưởng thức bữa ăn sáng bằng... cơm nếp và muối mè cho chắc bụng, và ra đồng...

Cánh đồng lúa vừa chín tới. Cả nhóm được chú Ba Đức giới thiệu và chỉ cách làm cỏ bờ, người thì cùng tham gia gặt lúa, gom lúa. Những bàn tay đã quen với bàn phím giờ tự nhiên cảm thấy mình vụng về đến tức cười... Thỉnh thoảng lại có tiếng ồ thích thú của những người bạn nước ngoài lần đầu tiên tự tay gặt lấy những hạt lúa vàng ươm, trong khi những đàn vịt chạy đồng đang quấn quýt dưới chân để nhặt thóc rơi rụng...

Chỉ 30 phút nhưng đủ để mọi người cảm nhận được sự vất vả và khổ cực của người nông dân thì cũng là lúc chú Ba Đức bảo chúng tôi chuẩn bị tát đìa... bằng máy bơm.

Nước cạn dần, có việc cho chúng tôi rồi. Chân thụt sình, khom lưng, căng mắt mà bắt ốc. Ốc lừ đất, đi đằng trước nó bò đằng sau, những con ốc bươu vàng ươm chỉ mới nhìn thôi đã thèm ngay một chén nước mắm ớt với ít gừng cay! Nhìn những anh bạn Tây bụng phệ bị lún dưới sình gọi nhau chí chóe... buồn cười không chịu được.

Bữa cơm trưa được dọn lên với những "sản vật" mà chúng tôi vừa "thu hoạch" được. Ốc bươu dồn thịt béo ngậy bên cạnh nồi canh chua nóng hổi và món mà ông chủ nhà móm mém giới thiệu bằng tiếng Anh "This is Ca Kho To” (cá kho tộ)!

Buổi trưa ở Cù Lao thật mát với những ngôi nhà không bao giờ khép cửa. Không có cái gì làm cho ta có cảm giác thanh bình và no ấm đến thế, gần gũi đến thế. Nhà có bao nhiêu căn thì có bấy nhiêu căn đầy gió. Chúng tôi tự do dạo theo những con đường làng rợp bóng cây xanh, thưởng thức những trái cây miệt vườn do tự tay mình hái. Bạn đừng ngại, hãy thưởng thức hết đi bởi ở đây người ta tính tiền bằng... bụng! Khi đã chán chê, mời bạn hãy buông mình trên chiếc võng thả hồn mình theo những lời ca tài tử của những người miệt vườn Nam bộ.

Trong bữa cơm chiều, chú Ba Đức cầm bát cơm lên bàn thờ khấn vái gia tiên cầu cho những vụ mùa sung túc, cho những vị khách bình an. Một góc tâm linh, chúng tôi không thể học được vì có lẽ chưa cảm nhận hết được cái tình của mảnh đất này trong hai ngày ngắn ngủi.

Chú Ba bảo, thường cứ chạng vạng tối là người ta cũng uống vài ly cho ấm bụng với không khô cá lóc thì cũng một con cá tai tượng chiên xù chấm với nước mắm me... Khuya một chút, khi đã ngà ngà say rồi người dưới bếp bưng lên một nồi cháo gà. Trời ơi, cái mùi thơm của thịt, của tiêu, của mỡ tỏi... mới hít vào vài hơi mà rượu đã tan đi đâu hết thì còn nói gì đến cảnh ngồi xì xụp húp bát cháo nóng, rồi vừa uống trà và nghe vọng cổ...

Nằm trong mùng bạn có thể dễ dàng nghe văng vẳng tiếng xà lan ậm ì chạy, và tiếng gió, tiếng sóng vỗ vào bờ. Đúng là tiếng sóng, chỉ có tiếng sóng mới mênh mông một nỗi nhớ bờ như thế. Tự nhiên thấy coi thường câu “Ăn cơm tàu, ở nhà Tây, cưới vợ Nhật...”

Sáng sớm hôm sau, trên đường trở về qua dòng sông Tiền chúng tôi còn ghé qua tham quan trại rắn Đồng Tâm - Trung tâm Nghiên cứu và trưng bày các loại rắn ở Việt Nam.

18g về đến TP.HCM, chúng tôi lưu luyến chia tay nhau. Chuyến đi xem như kết thúc. Tôi tiếc quá vì không có đủ thời gian để tự tay bắt những con cá rô lọc tọc nơi ruộng cày, không được ăn những con cúm núm nướng rơm, lắng nghe bầy vạc kêu rùm trời trong sương sớm... Nhưng chuyến đi không quá ngắn để cảm nhận được vẻ đẹp đời thường của người nông dân Nam bộ để rồi trở về với cuộc sống đời thường và cảm thấy yêu công việc mình hơn.
Về Đầu Trang Go down
 
Một ngày làm nông dân Nam bộ
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
K012QK2 :: Club những người yêu nghề Du lịch-
Chuyển đến