onena87
Tổng số bài gửi : 55 Join date : 11/02/2008
| Tiêu đề: Bị thiêu sống - Kỳ 2: Vì tôi là con gái Mon Mar 10, 2008 9:25 pm | |
| Bị thiêu sống - Kỳ 2: Vì tôi là con gái
Mỗi ngày tôi phải cầu nguyện ít nhất hai lần. Tôi ê a đọc như mẹ tôi, như các chị em tôi nhưng mãi đến nhiều năm sau khi đến châu Âu tôi mới biết đến sự tồn tại của kinh Coran. Đứa em trai duy nhất của tôi - "ông vua" của cả nhà - được đi học, riêng bọn con gái thì không…
Trong gia đình, sinh con gái là một điều bất hạnh. Người vợ trước hết phải sinh con trai, ít nhất cũng phải một đứa. Con gái chỉ cần hai hoặc ba đứa để lo việc nhà, việc đồng áng và chăn gia súc. Cho đến năm 17 tuổi, tôi không được biết chuyện nào khác ngoài chuyện vì là con gái nên bản thân bị coi rẻ không bằng một con vật.
Cánh cổng cuộc đời
Tên tôi là Souad. Tôi sinh ra trong một ngôi làng nhỏ. Người ta bảo rằng ngôi làng ấy nằm ở một nơi nào đó trên lãnh thổ Jordan, rồi đổi thành Transjordanie và cuối cùng là Cisjordanie.
Nhưng chưa bao giờ được cắp sách đến trường nên tôi mù tịt về lịch sử đất nước mình. Chưa bao giờ tôi đi ra khỏi làng xa hơn vài cây số tính từ căn nhà cuối làng. Tôi không biết Trái đất tròn hay dẹt, cũng không có một ý niệm nào về thế giới!
Ngôi làng của chúng tôi rất đẹp và rất xanh, có rất nhiều quả vả, nho, nhiều loại trái cây, chanh và rất nhiều cây ôliu. Một mình cha tôi sở hữu phân nửa những thửa đất trồng trọt trong làng. Ông không giàu nhưng có của ăn của để. Ngôi nhà rất to được làm bằng đá, ngoài cùng là lớp tường bao quanh với một cánh cổng sắt màu xám. Cánh cổng ấy là biểu tượng của sự giam cầm đối với chị em chúng tôi. Một khi đã vào bên trong, cánh cổng đó sẽ được đóng lại nhằm ngăn không cho chúng tôi ra ngoài.
Từ ngoài có thể đi vào qua cánh cổng ấy, nhưng bên trong không được đi ra. Em trai tôi, trái lại, lúc nào cũng được tự do, tự do như gió: tự do đến rạp xem phim, đi ra đi vào qua cánh cổng ấy, muốn làm gì cũng được. Tôi thường nhìn cánh cổng ấy, cánh cổng sắt đáng nguyền rủa và tự nhủ: "Không bao giờ mình có thể bước qua đấy để đi ra ngoài, không bao giờ".
Mua sắm ở ngoài thì mẹ đi cùng cha tôi, mua cho mỗi đứa con gái một cái áo và dù thích hay không, chúng tôi vẫn phải mặc. Các chị tôi và tôi, ngay đến mẹ tôi nữa chẳng ai có quyền nói đi nói lại một câu nào, chỉ có thế hoặc không có gì cả. Đó là thứ áo dài, tay ngắn bằng vải cotton xám, đôi khi là màu trắng và rất hiếm khi có loại màu đen. Thứ vải này mặc vào rất nóng và làm da khó chịu như bị kim châm. Cổ áo khá cao và kín mít.
Nhưng tùy theo mùa bắt buộc phải mặc thêm một chiếc áo sơmi hay áo ghilê dài tay. Mặc thêm như thế thường rất nóng, nóng đến phát ngột nhưng bắt buộc phải có tay dài. Để lộ một phần cánh tay hay một phần chân, hay tệ hơn nữa là để hở một phần vai và ngực là một điều sỉ nhục. Lúc nào chúng tôi cũng đi chân trần, không bao giờ đi giày, ngoại trừ những phụ nữ có chồng.
Tôi bắt đầu lao động chân tay năm lên tám hay chín tuổi. Ngay từ sáng sớm, tôi ra chuồng cừu, cho hai ngón tay vào mồm "hoét" lên một tiếng để gọi đàn cừu tập họp lại, rồi tôi đi cùng chị Kainat lớn hơn tôi độ một tuổi. Con gái không được đi ra khỏi nhà một mình hoặc với một đứa em gái nhỏ tuổi hơn. Phải có chị gái lớn tuổi đi kèm để bảo đảm.
Hai chị em chúng tôi cùng lùa đàn cừu và dê ra đồng cỏ nằm cách làng chừng 15 phút đi bộ. Chúng tôi đi nhanh, mặt cúi gằm xuống cho đến lúc qua khỏi nếp nhà cuối làng. Khi ra đến đồng cỏ chúng tôi thoải mái kể chuyện tếu, thậm chí còn cười ngặt nghẽo với nhau. Chúng tôi nói với nhau chuyện ăn phomat, ăn một quả dưa hấu, trông coi mấy con cừu.
Khi đàn cừu nằm tụ lại thành vòng tròn để ngủ thì chúng tôi cũng chui vào chỗ bóng râm, liều lĩnh chấp nhận rủi ro. Nếu lỡ để con vật ấy lẻn vào phá vườn rau của nhà ai, hoặc chúng tôi về đến chuồng cừu muộn chừng vài phút là sẽ được ăn một trận đòn chí tử bằng thắt lưng da.
Nếu đẻ con gái
Cha tôi. Ông ngồi chễm chệ trước nhà như một ông vua ngồi trước cung điện với mảnh khăn ô vuông trắng đỏ che kín chiếc đầu hói lơ thơ vài sợi tóc màu hung. Ông mang thắt lưng da và đặt cây gậy trên đùi. Tôi còn nhìn thấy rõ ông ngồi đấy, dáng nhỏ bé và dữ tợn, vừa cởi chiếc thắt lưng da vừa quát: "Sao lại để cừu chạy rông như thế hả?". Ông túm lấy tóc tôi, giật mạnh làm tôi ngã xuống đất và lôi tôi xềnh xệch vào nhà bếp.
Trong khi tôi còn quì gối chưa đứng lên được thì ông đánh. Ông kéo mạnh bím tóc tôi như muốn rứt nó ra, rồi ông cắt tóc tôi bằng chiếc kéo to chuyên dùng cắt lông cừu. Tôi không còn tóc nữa. Càng khóc, càng kêu, càng van xin chỉ tổ bị ăn thêm mấy cái đá. Đó là lỗi của tôi. Ngày nào chúng tôi cũng bị đánh, bất kể bằng thắt lưng da hay bằng gậy. Một ngày không bị đánh là một ngày không bình thường.
Trong làng, nhà nào cũng như thế, đó là luật của những người đàn ông. Hằng ngày ở trong những ngôi nhà đều xảy ra những vụ đàn bà con gái bị đánh đập, văng vẳng tiếng kêu khóc. Việc đàn bà con gái bị đánh đập, bị cạo đầu và bị trói vào thanh rào trong chuồng cừu là chuyện bình thường. Không có cách sống nào khác.
Nhiều lúc tôi nhìn thằng em trai tôi, thằng em trai mà cả nhà đều yêu quí và thầm nghĩ: "Nó có gì hơn chứ? Cũng từ một bụng mẹ chui ra như mình thôi". Tôi không có câu trả lời. Mọi thứ phải như thế thôi. Chúng tôi phải phục vụ nó như đã phục vụ cha tôi, phục vụ bằng cách vừa quì gối vừa cúi rạp đầu.
Tôi cũng không quên câu nói quen thuộc của mẹ tôi: "Tao sinh được 14 đứa, nhưng chỉ bảy đứa còn sống". Một hôm, tôi đã hiểu tại sao. Tôi trông thấy mẹ tôi nằm dưới đất, trên tấm da cừu. Bà đang sinh em bé và dì Salima đang ngồi bên cạnh, trên chiếc gối nệm. Tôi nghe có tiếng kêu của mẹ và của đứa bé. Và mẹ tôi nhanh tay vơ tấm da cừu trùm lên đứa bé để nó chết ngạt. Bà quì trên đầu gối và tôi nhìn thấy đứa bé động đậy dưới tấm da cừu.
Nhưng sau đó thì hết, không còn gì nữa. Tôi không còn biết chuyện gì xảy ra tiếp theo sau, đứa bé đã chết, chỉ thế thôi và tôi sợ đến rụng rời. Tôi trông thấy bà làm việc đó một lần, rồi hai, ba lần. Tôi cũng nghe chị Noura nói với mẹ: "Nếu đẻ con gái, con cũng sẽ làm như mẹ”.
Trong làng tôi nếu phải chọn giữa một đứa con gái và một con bò cái thì đàn ông sẽ chọn con bò cái. Cha tôi thường nhắc đi nhắc lại: "Bò cái cho sữa và sinh ra bò con. Người ta làm gì với sữa và bò con? Họ đem chúng đi bán và mang tiền về nhà. Cừu cho len.
Có len, người ta đem đi bán và mang tiền về nhà. Cừu cái lớn lên và đẻ ra cừu con rồi chúng lại cho sữa để làm phomat. Có phomat, người ta đem bán. Nhưng một đứa con gái thì sao? Đối với gia đình nó giúp được gì nào? Chẳng gì cả! Một con bò cái hay một con cừu bao giờ cũng tốt hơn một đứa con gái". | |
|